Chương 40

Canh đã hầm trên lửa nhỏ chừng một canh giờ, lúc mở nắp nồi đất ra, nước bên trong còn sôi sùng sục, mùi thơm nồng bốc lên theo làm hơi nóng.

Nàng dùng đũa đυ.ng nhẹ vào thịt gà, ấn mạnh một cái là thịt tuột khỏi xương chứng tỏ gà còn tơ, không cần tốn củi lửa. Nàng khá hài lòng, tìm hũ muối cho vào nồi một ít, rồi đậy lại đun thêm một lúc, sau đó dập tắt lửa trong lò.

Đây cũng là thói quen khi hầm canh của Tần Tranh: Muối phải bỏ vào trước khi nhắc xuống một lúc, nếu không thịt sẽ không mềm được. Bỏ muối vào xong thì đậy nắp lại một lát rồi tắt lửa, như thế canh sẽ không có vị muối mặn.

Nàng tìm cái chén nhỏ, múc muỗng canh lên nếm thử. Không biết có phải vì gà và nấm ở cổ đại rất nguyên chất hay không mà mùi vị ngon cực kỳ, nước canh tươi ngon thơm phức, uống vào một hớp là ấm bụng ngay.

Tần Tranh múc canh đã nấu xong vào một cái thố bằng sứ, chào Vương đại nương một tiếng rồi rời khỏi bếp chính.

Nàng vẫn nhớ đường lúc nãy Hỉ Thước dẫn nên đi ngược trở lại để về nhà. Thấy phía trước có mấy người đàn ông đang khiêng một cây gỗ to tròn đi về phía này thì vội nép sang một bên nhường đường.

Mấy người khiêng gỗ thấy bên đường có một mỹ nhân yêu kiều đang đứng thì không khỏi trêu chọc vài câu: “Đây là nương tử nhà ai thế này? Trông cứ như tiên nữ trong tranh vậy.”

Người đàn ông khiêng phía sau lên tiếng quát. “Có động dục thì cũng nhìn xem đây là lúc nào. Mau khiêng gỗ qua đó nộp rồi xong việc cho sớm. Làm lỡ tiến độ xây cầu tàu, xem trại chủ có cho mấy người ăn đòn không!”

Khi ấy đám đàn ông mới chịu thôi, lặc lè khiêng cây gỗ đi ngang qua.

Tần Tranh nhìn cây gỗ to tròn kia, rơi vào suy tư. Xây cầu tàu?

Cầu tàu thường phải xây dựng ở bến tàu để tiện dỡ hàng hóa, sơn trại này thì xây cầu tàu gì chứ?

Khả năng duy nhất nàng có thể nghĩ ra là nguyên chiếc thuyền buôn chở vải vóc tơ lụa. Có nghĩa là sau khi cướp được con thuyền buôn ấy, họ vẫn chưa chuyển hàng lên núi được?

Tần Tranh nhớ lại chiếc giỏ mây mình ngồi để lên núi hôm ấy. Dựa vào nhân lực để kéo từng giỏ mây lên thì đúng là quá mất thời gian và công sức. Hơn nữa nếu trên núi không cần dùng nhiều vải như vậy thì cũng không cần phải vận chuyển toàn bộ hàng hóa trên thuyền lên, nếu không đến lúc tìm được người mua hàng thì vận chuyển xuống núi cũng khá phiền phức.

Địa thế của Lưỡng Yến Sơn rất có lợi cho việc phòng thủ, nhưng một khi hàng hóa cướp được quá nhiều thì xử lý nó là cả một vấn đề.

Trong khi suy nghĩ những vấn đề này, Tần Tranh đã về đến cửa nhà.