Chương 2.2



Ngay khi ông nói ý tưởng này với bà Sở thì đã bị bà cụ từ chối một cách không thương tiếc. Bà cụ Sở chế nhạo ông một hồi, bảo ông có thời gian chơi với bà ba, bà tư mà sao ngay cả đứa con trai duy nhất của mình cũng không dạy nổi thế. Triệu Khánh Đường âm thầm thở dài một hơi, ông chỉ có thể cười làm lành rồi giải thích với bà cụ, hạ mình nhờ vả rồi phóng đại những tai hoạ mà thằng con Triệu Tầm Dữ của ông đã làm lên. Trải qua thêm năm lần bảy lượt cầu xin nhờ vả lẫn hứa hẹn, cuối cùng bà cụ Sở mới xuôi xuôi ưng thuận.

Triệu Khánh Đường sợ rằng phương pháp của bà cụ quá cứng rắn nên chỉ nói là ông cũng không hy vọng con trai mình có thể thay đổi nhiều, chỉ cần nó nhận thức được sai lầm của mình, về sau biết kiềm chế bản thân một chút là được, không cần nó phải thay đổi quần áo tóc tai, cũng không cần nó phải rành việc đồng áng hay bếp núc gì cả.

Bà cụ Sở nghe vậy cũng không nóng nảy mà lên tiếng ngắt lời ông: "Nếu anh đã có ý như vậy thì đưa thằng bé về, tự mình quản giáo nó đi.”

"...Không phải, ý con là mẹ cũng không cần bỏ quá nhiều thời gian để đau đầu vì nó đâu, chỉ cần để thời gian cho nó một mình suy ngẫm là được." Ông thật sự không quản được Triệu Tầm Dữ, thực sự thì công phu khóc lóc om sòm, ra vẻ đáng thương của thằng con ông ở đạt tới đỉnh cao luôn rồi, nó mà làm ầm ĩ lên thì còn khiến ông đau đầu hơn cả bị niệm Kim Cô chú nữa ấy chứ.

"Không đau đầu đâu. Có còn muốn ăn cơm hay không thì kệ nó, anh nghĩ là tôi sẽ đứng đó mà dỗ nó à?"

*

Lúc này, lửa giận của Triệu Khánh Đường với Triệu Tầm Dữ vẫn còn chưa tiêu hết. Ông nói với con trai mình là anh đã gây ra họa lớn như vậy rồi, thế thì về nhà bà ngoại ở quê hai tháng để tự kiểm điểm lại bản thân đi, bây giờ ông chỉ cần nhìn thấy anh là cả người lại khó chịu. Triệu Tầm Dữ cũng không phản kháng, mặc dù anh không cảm thấy mình sai nhưng quả thật chuyện này đã khiến ba anh mất rất nhiều công sức để giàn xếp. Hơn nữa, nhiều năm nay, chẳng khi anh ở cùng bà ngoại mình trọn một ngày cả.

Kể từ khi mẹ anh qua đời, ba anh tái hôn, bà ngoại giống như là muốn cắt đứt liên lạc với nhà anh luôn. Bà về thôn đóng cửa không ra, video call thì không bao giờ bắt máy, điện thoại cũng chỉ vào dịp Tết Nguyên Đán mới có người bắt máy. Lần cuối cùng Triệu Tầm Dữ gặp bà ngoại mình là vào năm ngoái, khi anh đến nhà dì mình để chúc tết đầu năm. Anh muốn về trước khi khai giảng thì về thôn ở với bà ngoại vài ngày, nhưng bà đã lạnh lùng từ chối luôn.

Mấy năm nay, bà ngoại cũng không thân thiết với anh, nhưng anh vẫn nhớ rõ khi mình còn bé, bà ngoại cũng đã từng làm nhiều món ngon cho anh. Đây là người mà mẹ anh yêu thương nhất, thế nên anh luôn muốn thân thiết hơn với bà.

Đưa Triệu Tầm Dữ về quê, Triệu Khánh Đường đương nhiên là cũng phải gặp mặt bà cụ Sở rồi. Triệu Khánh Đường ở lại hai ngày, đây là lần đầu tiên sau khi vợ mình mất, ông ở lại qua đêm ở ngôi nhà này. Nhìn khung cảnh quen thuộc mà xa lạ, trong lòng ông dâng lên quá nhiều cảm xúc ngổn ngang.

Vào đêm trước khi Triệu Khánh Đường rời đi, bà cụ Sở đã yêu cầu ông tịch thu điện thoại di động của Triệu Tầm Dữ, cũng không được phép để lại một xu tiền mặt nào cho con mình cả. Đối mặt với ánh mắt uy nghiêm của bà cụ Sở, ông một chữ cũng chẳng dám hó hé gì.