Chương 16

Một ngày trước khi Lý Bách Nhiên chuyển đi, giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức một buổi tiệc chia tay cho cậu ở trong lớp. Các bạn cùng lớp chuẩn bị rất nhiều quà cho cậu và đa số trong đó là các bạn nữ. Có một bạn nữ khéo tay đã làm một bức chân dung bằng vải vụn và dán chúng lên một tấm bìa các tông màu trắng sau đó viền lại bằng các tấm vải nhỏ rồi tặng cho Lý Bách Nhiên, hai sợi tóc dài và dày trong bức tranh ấy cũng rất dễ thương tạo thành một bức tranh tinh xảo khiến người khác cảm thấy ngạc nhiên.

Từ Triết Phàm lắc đầu cảm thấy có hơi tiếc ở trong lòng ‘Không biết đưa cho thằng cha đó rồi chả có hiểu và yêu thích không nữa.’

Lúc này có một bạn nữ ngồi sau lưng của Lý Bách Nhiên đột nhiên ghé mặt lên bàn khóc lóc thảm thiết, Từ Triết Phàm đen mặt liếc về phía sau lưng cảm thấy hơi sợ hãi ‘Có lộn không vậy? Con nhỏ này ngồi sau lưng của Lý Bách Nhiên tận hai năm mà có nói câu gì với cậu ta đâu, tự nhiên bây giờ lại khóc như vậy có phải là hơi đa sầu đa cảm(1) quá rồi không? Tình bạn sâu sắc tới mức này luôn á hả?’

(1)Đa sầu đa cảm: là thành ngữ nói về những người mong manh yếu đuối về mặt cảm xúc, dễ lo lắng và hay khóc.

Nhưng thật lòng mà nói thì sức hút của Lý Bách Nhiên ở trong lớp vẫn rất cao vì có cha là một người rất có năng lực lại còn hào phóng, chỉ cần trong lớp có tiệc chúc mừng hay gì đó đều sẽ tự bỏ tiền túi ra mua đồ ăn ngon chia cho mọi người, không những vậy mà cậu ta còn học giỏi nữa. Ngoại trừ việc cậu ta thường hay nhướng mày với mình và Lưu Quyền ra thì khi đối xử với người khác ít nhất là những gì biểu hiện ở bên ngoài thì cậu ấy vẫn luôn là một người tốt bụng và dễ dàng bắt chuyện.

Chỉ có mỗi mình Từ Triết Phàm biết đó là đồ phân chó, anh lén phun nước miếng. Thật ra cái thằng cha đó cực kỳ nhỏ nhen ích kỷ lại còn hay cáu gắt nữa, tuổi còn nhỏ mà đã biết che che giấu giấu rồi đã thế lòng đố kỵ của cậu ta lại cực kỳ lớn. Không phải bài kiểm tra lần hai cậu ta đã cùng đứng nhất lớp với anh hay sao? Vậy mà dám lấy cái giọng điệu nghi ngờ hỏi anh: “Với cái thành tích chó cắn đó của cậu mà cũng có thể làm được hơn hai trăm điểm hả?”

Từ Triết Phàm nghe xong câu này liền muốn đâm thẳng cây viết đang cầm trong tay vào mắt của cậu ta ‘Mẹ nó, tại sao lại không làm được hai trăm điểm hả? Hợm hĩnh!’

Sau đó thằng chả càng ngày càng chăm chỉ hơn. Nếu trước kia chỉ nỗ lực thôi thì hiện tại cậu ta càng phải cố gắng gấp bội. Bởi vì phần viết văn của Từ Triết Phàm luôn bị trừ điểm cho nên sau này anh không thể giành vị trí thứ nhất được nữa.

Lưu Quyền và Từ Triết Phàm là hai người cuối cùng tặng quà cho cậu nên lúc này trên bàn của Lý Bách Nhiên đã có rất nhiều quà rồi, sau khi nhận lấy sổ tay và viết từ hai người thì Lý Bách Nhiên lễ phép nói cảm ơn rồi thản nhiên cất vào trong cặp.

Lúc sắp tan học Lý Bách Nhiên lấy viết máy ra nhìn, vuốt ve một hồi rồi mới quay đầu lại nhìn Từ Triết Phàm: “Này! Tại sao cậu lại nghĩ tới việc tặng viết cho tôi vậy?”

Từ Triết Phàm cảm thấy câu hỏi này rất ngây thơ nhưng vì thằng cha này sẽ chuyển đi nên mới trả lời: “Tại vì Lưu Quyền đã tặng cho cậu một cuốn sổ tay rồi nên tôi mới tặng cậu thêm cây viết, không phải sổ tay với viết luôn là một cặp hay sao?”

Lý Bách Nhiên ậm ừ một tiếng, xoay cây viết trong tay hai vòng rồi nói: “Cây viết này có rẻ không? Bao nhiêu tiền vậy?”

Từ Triết Phàm nhớ lại số tiền thì cảm thấy trong lòng rỉ máu, không còn cách nào khác đành phải trả lời bằng giọng nói nghèn nghẹn: “Có mấy tệ thôi.” Nếu nói là mình tốn hơn một trăm tệ thì thằng cha này nhất định sẽ hiểu lầm là mình đang nịnh nọt thằng chả thôi.

Lý Bách Nhiên không tin được nói: “Rẻ vậy hả? Tại sao tôi nghe Lưu Quyền nói cây viết này tới một trăm lẻ năm tệ lận vậy??”

Từ Triết Phàm cào móng tay lên mặt bàn rồi quay người qua nói: “Được rồi mà, không phải cậu sắp chuyển đi rồi hả? Dù sao thì hai ta đã ngồi chung một bàn suốt hai năm rồi có đúng không, cậu cũng giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập cho nên tôi mới mua một cây viết tốt một chút tặng cậu để làm kỷ niệm, ha ha, kỷ niệm thôi...”

Lý Bách Nhiên nhìn thấy nụ cười gượng gạo của Từ Triết Phàm thì suy nghĩ một lúc rồi nói: “Cậu lấy ở đâu ra nhiều tiền vậy?” Một trăm lẻ năm tệ cũng không phải là một số tiền nhỏ."

Từ Triết Phàm nhún vai nói: “Tôi thường hay ra chợ bán đồ nên cho dù có là một trăm tám mươi tệ cũng có thể mua được.”

Lý Bách Nhiên vẫn im lặng, một lúc sau mới nói: “Cây viết này quý giá quá...”

Từ Triết Phàm tưởng rằng cậu ta sẽ nói rằng cậu ta không thể giữ cây viết được nên nghĩ thầm trong lòng: ‘Cậu không muốn thì càng tốt chứ sao, trả lại cho tôi tự xài không phải sẽ tốt hơn à, nói thật là tôi chưa từng xài cây viết nào đắt như vậy hết.’

Kết quả là Lý Bách Nhiên tự đổi đầu đuôi câu chuyện nói: “...Nhưng mà tôi thật sự rất thích nó.”

Từ Triết Phàm xoay mặt đi chỗ khác tức muốn hộc máu.

Lý Bách Nhiên dẹp cây viết đi sau đó thò tay vào cặp lấy ra một xấp đề thi đưa cho Từ Triết Phàm, Từ Triết Phàm nghi ngờ nhìn chúng. Đó là đề thi thử đợt ba để chuyển từ lớp sáu lên cấp hai, ngữ văn và toán đều có đủ cả. Một mặt đã bị ai đó viết các câu trả lời ở trên rồi, từng bước từng bước đều được ghi rất chi tiết, các câu hỏi quan trọng đều được đánh dấu bằng viết đỏ. Từ Triết Phàm rất muốn hỏi mấy đề thi này ở đâu ra nhưng khi suy nghĩ lại thì có lẽ đó là do cha cậu ta đã tìm người làm giúp.

Lý Bách Nhiên đưa xấp đề thi cho Từ Triết Phàm nói: “Cậu với Lưu Quyền ôn cho cẩn thận, mấy câu hỏi trên đề thi đều có đáp án đúng đó, nếu cậu hiểu hết tụi nó thì cậu sẽ không gặp bất kỳ một vấn đề nào trong kỳ thi vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một đâu.”

Từ Triết Phàm ngạc nhiên lắc lắc xấp đề thi hỏi: “Hả? Cậu cũng muốn thi vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một sao?”

Trường Trung Học Cơ Sở Số Một là trường học tốt nhất trong thành phố nên tất nhiên là Lý Bách Nhiên cũng sẽ tham gia kỳ thi rồi. Cậu ta nhìn Từ Triết Phàm như đang nhìn một thằng ngốc nói: “Ý của cậu là sao hả?”

Từ Triết Phàm biết mình đã buột miệng nên vội vàng nói: “Lỡ mồm tí thôi mà...” Thầm nghĩ trong lòng nếu thật sự thi đậu thì việc mình mua cây viết này thành công cốc rồi vì quay đi quay lại một vòng hai người họ cũng ở chung với nhau mà.

Từ Triết Phàm rất chắc chắn mình sẽ đậu kỳ thi tuyển vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một nhưng với Lưu Quyền thì không chắc lắm vì theo như những gì anh nhớ được vào hồi trước khi sống lại thì Lưu Quyền đã thi trượt Trường Trung Học Cơ Sở Số Một và phải học lại một năm mới thi đậu.

Thực ra Từ Triết Phàm rất muốn học lại lớp sáu chung với Lưu Quyền ở trường Tiểu học vì bằng cách này anh vừa có thể ôn lại cuộc sống thời học Tiểu học vừa có thể tránh mặt Lý Bách Nhiên. Mặc dù trong lòng nghĩ như vậy nhưng cha của Lưu Quyền lại không muốn như thế vì lúc nhìn thấy điểm của Lưu Quyền đã đánh anh ta lên bờ xuống ruộng.

Bị đánh tới nổi mông đau không dám ngồi lên ghế, đau tới mức khóc toáng lên, nước mũi tèm lem, gào khóc nói với Từ Triết Phàm rằng anh ấy muốn tham gia kỳ thi vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một sau đó anh ấy có thể lên lên huyện gặp gia đình của cô rồi vậy mà lại không ngờ mình phải học lại Tiểu học.

Từ Triết Phàm vỗ vỗ vào đôi vai của anh ấy để xua đi những suy nghĩ vẩn vơ từ thuở nào, vỗ ngực nói: “Kỳ thi này hãy dựa vào em, nhất định anh sẽ thi đậu mà nên cứ yên tâm đi.”

Lưu Quyền vẫn luôn tin tưởng Từ Triết Phàm vì biết rằng anh có thể làm bất kỳ điều gì, khi những đứa trẻ khác vẫn còn chơi đùa thì anh đang buôn bán ngoài chợ và đã kiếm được rất nhiều tiền, đã vậy còn dám bỏ ra hơn một trăm tệ chỉ để mua một cây viết máy mà không hề do dự, tới người lớn cũng không bằng anh.

Anh ấy cũng rất ngưỡng mộ thành tích của Từ Triết Phàm, khi Lý Bách Nhiên chuyển đi thì Từ Triết Phàm sẽ trở thành người đứng nhất lớp, thầy giáo đã khen anh rất nhiều lần. Cho nên Lưu Quyền cực kỳ tin tưởng vào anh khi Từ Triết Phàm nói rằng anh có thể thi đậu vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một.

Còn hơn hai tháng nữa là tới kỳ thi rồi, Từ Triết Phàm quay lại đọc đề thi của Lý Bách Nhiên đưa cho một lượt từ đầu tới cuối. Vì anh đã không còn nhớ được nội dung của đề thi năm đó nữa nên chỉ có thể theo trực giác chép những câu hỏi còn nhớ mang máng từ trong xấp đề thi vào trong tập, may thay anh vẫn còn nhớ được đề thi môn ngữ văn đó là nói về đề tài lý tưởng.

Anh chọn ra một vài đề tài văn nghị luận nói về lý tưởng cùng với những câu hỏi trong ba bộ đề thi rồi đưa cho Lưu Quyền để anh ấy học thuộc lòng.

Anh nói với Lưu Quyền rằng chỉ cần thuộc nằm lòng chúng thì chắc chắn sẽ có hy vọng với kỳ thi vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một này. Mặc dù Lưu Quyền có hơi ngốc một chút nhưng may ra anh ấy lại có được sự chăm chỉ. Trong suốt hai tháng học tập cực lực, thuộc lòng các câu hỏi trên đề thi từ đầu tới cuối còn hỏi Từ Triết Phàm những câu không hiểu nữa, Từ Triết Phàm cũng rất kiên nhẫn mà giải thích tỉ mỉ cho anh.

Trong hai tháng gần đây, điểm số của Lưu Quyền tăng lên liên tục. Vào hai tuần trước kỳ thi, anh ấy có thể đạt tới chín mươi điểm môn toán làm cho cha của Lưu Quyền vui muốn chết. Ngày hôm đó ông đã chuẩn bị một bàn đồ ăn ngon để làm phần thưởng cho anh, hôm sau nữa anh đã lén đem theo một cái đùi gà đưa cho Từ Triết Phàm, chia ra cho hai người ăn bữa trưa.

Vào hai tuần trước kỳ thi này Từ Triết Phàm không ra chợ bán đồ nữa mà sẽ cùng Lưu Quyền đọc sách, viết văn, nắm chắc các bài văn viết về các đề tài lý tưởng đã chuẩn bị sẵn.

Trong không gian có một đống trái cây nhưng Từ Triết Phàm không có thời gian để bán chúng nên đã phân chúng ra thành từng đống. Táo tàu còn rất nhiều, trái nào trái nấy đều đỏ tươi mọng nước nên những lúc không có gì để làm thì Từ Triết Phàm đều sẽ ăn chúng. Táo tàu bổ máu nên sau khi ăn được mười bữa nửa tháng thì vẻ mặt của Từ Triết Phàm đã trở nên hồng hào đẹp mắt hơn, da dẻ khỏe khoắn môi cũng ửng hồng, nhìn rất đẹp trai và tràn đầy sức sống.

Một tuần nữa là đến kỳ thi, Từ Triết Phàm không hề lo lắng một chút nào trong khi đó, Lưu Tú và Từ Truyền lại cảm thấy vô cùng căng thẳng.

Buổi tối khi Lưu Tú nhìn thấy Từ Triết Phàm không làm bài tập mà chỉ thong dong đọc sách nên có hơi lo lắng sau đó ngồi lên trên giường đất nói nhỏ với Từ Truyền: “Lão Từ, anh có nghĩ là con trai của chúng ta có thể thi đậu Trường Trung Học Cơ Sở Số Một không? Em thấy hai ngày nay nó không có học bài mà chỉ đọc mấy bài văn gì đó thôi.”

Từ Truyền hút một điếu thuốc rồi nói: “Em không hiểu đâu, phần viết văn rất quan trọng, nếu viết không tốt sẽ bị trừ rất nhiều điểm.”

Lưu Tú nói: “Thật vậy sao?” Sau đó bà có hơi lo lắng: “Tiểu Phàm nói với chúng ta rằng thằng bé muốn thi vào Trường Trung Học Cơ Sở Số Một. Em nghe nói Trường Trung Học Cơ Sở Số Một là trường tốt nhất trong thành phố, người bình thường không thể vào được, anh có nghĩ rằng con trai của chúng ta có thể đậu được không?”

Từ Truyền gãy tro thuốc rồi nói: “Chắc chắn rồi! Anh đã xem tất cả những bài thi của thằng bé, bài thi toán thường sẽ được một trăm điểm còn ngữ văn cũng được chín tư chín lăm điểm, thi trượt mới là lạ đó.”

Lưu Tú nói: “Cái đó thì chưa chắc đâu. Em nghe mọi người nói là những bài thi tốt ở dưới quê cũng chỉ bằng những bài thi trung bình trên thành phố, trung bình ở thành phố cũng khác so với dưới quê nữa, chênh lệch lớn lắm!”

Từ Truyền nghe thấy thế thì im lặng, một lúc sau mới nói: “Em đừng có lo chuyện bao đồng, con thi trượt Trường Trung Học Cơ Sở Số Một thì học Trường Trung Học Cơ Sở Số Hai, còn không nữa thì về học trường làng, sao mà không có chỗ học được.”

Lưu Tú trợn tròn mắt: “Sao mà được chứ? Trường Trung Học Cơ Sở Số Một là trường học tốt nhất trong thành phố rồi, nếu Tiểu Phàm có thể thi đậu thì không phải thằng bé sẽ có tương lai rộng mở còn chúng ta sẽ được nở mày nở mặt hay sao? Vậy thì đi học ở trường làng làm cái gì? Học xong đi trồng cây chăn trâu hả? Con trai em không thể làm việc này được, nó phải thi đậu kỳ thi này.”

Làm sao mà Từ Truyền không muốn cho con trai của mình có thể đậu vào một ngôi trường tốt và có tương lai rộng mở chứ? Nhưng trước kỳ thi thì không có ai dám chắc điều gì vì nếu đặt kỳ vọng quá cao thì khi thi trượt không chỉ có tụi nhỏ mà ngay cả phụ huynh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước kia điểm số của con trai không được tốt nên hai vợ chồng ông cũng không có hy vọng con trai mình sẽ thành tài, lúc đó cũng chỉ nghĩ bài kiểm tra sau này chỉ cần làm bừa mà thôi, cùng lắm là về làm ruộng.

Nhưng từ hai năm trước con trai của hai người đột nhiên hiểu chuyện hơn, học tập càng ngày càng tốt, sự kỳ vọng của hai vợ chồng đặt vào đứa con trai này càng cao hơn. Nỗi mong muốn con thành tài cũng không thể kiềm chế được mà bung ra.

Lưu Tú ngồi trên mép giường đất suy nghĩ một lúc rồi đột nhiên nói: “Không được, em phải làm cái gì đó ngon ngon cho Tiểu Phàm ăn mới được, vợ của lão Bàng nhà bên cạnh ngày nào cũng cho con gái ăn trứng gà, sáng thì trứng luộc tới chiều là trứng hấp, không phải con gái nhà bà ta cũng thi vào cấp hai hay sao? Em cũng phải cho con trai em ăn mới được, sáng ăn trứng gà chiều ăn trứng vịt. Mai em sẽ ra chợ mua một ít thịt đầu heo, em nghe nói ăn cái này bổ não lắm, quần quần tới trưa sẽ cho thằng bé ăn chung với cơm."

Từ Truyền suy nghĩ một chút rồi gật đầu: “Ngày mai anh sẽ ở nhà mần thịt một con gà hầm canh cho con trai uống, sức khỏe của thằng bé là quan trọng nhất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thì đầu óc một hoạt động tốt trong kỳ thi chứ.”

Gϊếŧ con gà mái già làm cho Lưu Tú cảm thấy không vui nhưng khi nghĩ về tương lai của con trai so với con gà mái già đó thì tất nhiên con trai bà vẫn là quan trọng nhất, vì vậy mới nghiến răng nghiến lợi nói: “Được rồi, cứ làm vậy đi....”