Chương 9

Lư Hủ buồn rầu quay về phòng, có chút phiền muộn và ủy khuất.

Không biết y đã trêu chọc ai để giờ đây phải chịu cảnh sống như thế này.

Y nằm trên giường hồi lâu, đến chừng nghe tiếng Nguyên Mạn Nương gọi Tịch Nguyệt trông nhà để cô cõng Lư Duệ đi đào rau dại thì ngồi bật dậy.

Nhà cửa kiểu này thì y nằm không được nữa rồi.

Tịch Nguyệt ngồi trước cửa nhà chơi móc lá với đứa trẻ hàng xóm, hai đứa bé một đứa năm tuổi, một đứa ba tuổi ngồi giữa trời nắng chang chang cũng không biết kiếm chỗ mát mà núp, ngồi xổm nhặt lá cây chơi hăng hái.

Thấy Lư Hủ đi ra, Tịch Nguyệt thân mật gọi ca ca.

Đứa nhỏ hàng xóm chơi cùng với cô bé là Nhan Văn Trinh, năm nay ba tuổi, gương mặt thanh tú trầm tĩnh hệt như anh trai, nhưng khuôn mặt của bé tròn hơn, trông đôn hậu thân thiện hơn Nhan Quân Tề. Hai gia đình sống gần nhau, ngày nào cũng thường xuyên lui tới, Nhan Văn Trinh thấy y cũng gọi ca ca.

Lư Hủ xoa đầu bọn nhỏ một cái, hỏi: "Không nóng sao?"

Hai đứa trẻ lắc đầu.

Lư Hủ bảo hai đứa ngồi dịch vào bóng cây, mình thì trèo lên cây bẻ một cành lớn cho chúng bứt lá chơi.

Trò chơi móc lá rất đơn giản, mỗi người chọn một chiếc lá có cuống rắn chắc nhất, sau đó câu với lá của đối phương sao cho tạo thành hình chữ thập. Sau khi câu xong, mỗi người rút chiếc lá của mình về, ai câu gãy được cuống lá của người kia sẽ thắng.

Trò này không chỉ cần lá cây phải rắn chắc mà còn phải cần sức mạnh, Tịch Nguyệt lớn hơn Nhan Văn Trinh hai tuổi nên có nhiều lợi thế, thắng được một chồng lá cây. Những chiếc lá gãy cũng không được bỏ phí, chất đống để sang một bên, sau khi chơi xong thì nhặt về cho gà ăn.

Mấy chiếc lá trong tay Nhan Văn Trinh đã rụng gần hết, tay của bé còn nhỏ hơn cả Tịch Nguyệt thế nên hì hục nhổ thêm lá trên cành chậm rì rì.

Lư Hủ hỏi: "Ca ngươi đâu?"

Nhan Văn Trinh: "Ca ca đang học."

"Ồ." Suýt chút nữa đã quên, Nhan Quân Tề là người đọc sách duy nhất trong làng của họ, trời còn sáng nên cậu phải tranh thủ học bài. "Các ngươi chơi đi."

Lư Hủ đi dọc theo con suối đến bờ ruộng. Đầu hè là mùa để nghịch nước, nhưng nước sông sâu, nếu không có người lớn thì trẻ con trong làng không được ra sông chơi. Suối thì khác, chỗ sâu nhất không đến một thước, trẻ con có lỡ rơi xuống đó cũng không chết đuối được.

Gia đình Lư Hủ sống ở bìa thôn, sau lưng là núi, dòng suối từ trên núi chảy xuống, chảy qua trước nhà y, bước ra cửa chỉ cách chưa đầy 20 mét. Lúc đi bộ dọc một đường theo con suối, y nhìn thấy vài con khỉ đang lội nước phá phách. Đá bên suối đã ngâm nước nhiều năm, mọc rêu xanh um tùm, đi thêm được một đoạn, Lư Hủ nhìn thấy hai cậu bé khoảng bảy tám tuổi bị trượt chân ngã xuống nước. Chúng cứng đầu đến nỗi ngã cũng không khóc mà đứng dậy chơi tiếp, đứa nào khóc sẽ bị mấy đứa trẻ khác chê cười rất lâu.

Đệ đệ Lư Chu của y cõng một cái sọt trên lưng, đang cắt cỏ bên bờ suối.

Giỏ tre đặt bên vệ đường đã đầy quá nửa.

Một đám trẻ con chạy tới hỏi: "Chu ca đi chơi bùn không?"

Đệ đệ của y: "Ta đang cắt cỏ."

Một đám trẻ con khác chạy lại hỏi: “Ngũ Lang đi bắt cua không?”.

Đệ đệ của y: "Ta đang cắt cỏ."

Lư Hủ thở dài, ngay cả một đứa trẻ mười tuổi cũng phải cắt cỏ chăn gà lợn gánh vác trách nhiệm gia đình, trong lòng càng thêm nặng trĩu.

Y đi tới bảo Lư Chu đưa lưỡi liềm cho mình, "Ta cắt cỏ cho, đệ đi chơi với bọn nó đi."

Lư Chu lắc đầu.

Lư Hủ cũng không kiên nhẫn, từ nhỏ Lư Chu đã rất cố chấp, cậu nhóc nguyện ý làm Lư Hủ cũng không ngăn cản, y tìm một phiến đá bằng phẳng bên cạnh, buồn bực ngồi xuống, chống cằm xem em trai mình cắt cỏ.