Chương 14: Hoa Của Người Cũ

Mang báo cáo số liệu lên tầng cao nhất là tầng mười lăm, tôi định gõ cửa phòng giám đốc thì thấy anh Dương cũng vừa đi đến đó định vô phòng giám đốc như tôi. Tôi mừng quá, định bụng sẽ đi ké anh Dương. Anh Dương rất vui vẻ hỏi tôi:

“An mang tài liệu đến cho sếp hả em?”

“Dạ đúng rồi anh. Anh cũng có việc gặp sếp hả?”

“Ừ, anh thì lúc nào cũng có việc gặp sếp mà, em cứ vào trước đi, nhường em.”

“Hay anh cứ vào với em đi, em chỉ đưa tài liệu rồi em đi thôi.”

“Không chắc đâu, một khi sếp đã muốn gặp trực tiếp ai thì chắc là có chuyện muốn trao đổi đấy. Em vào đi.”

Dương là trợ lý riêng của Huy mà anh ta mang từ tổng công ty về đây. Hai người làm việc rất ăn ý, hầu như lúc nào cũng xuất hiện cùng nhau, nên những gì anh Dương nói chắc là chính xác 100%.

Tôi gõ cửa vài tiếng thì giọng Huy nói vọng ra “vào đi”. Tôi hít một hơi, đẩy cửa bước vào. Tôi chưa từng vào phòng giám đốc bao giờ. Đây là lần đầu tiên. Căn phòng không rộng lắm, nhưng có thiết kế cửa sổ chạm đất, một khoảng lớn là kính ngó ra công viên phía trước, rất nhiều ánh sáng chiếu vào. Cũng chỉ là một căn phòng nhưng ở đây như một thế giới rất khác với phòng làm việc của chúng tôi.

Huy đang ngồi gõ gì đó trên máy tính. Tôi đặt tài liệu lên bàn anh ta, nói vài câu:

“Chào sếp, chị Lan bảo tôi mang số liệu của kho trong tháng trước đến.”

Huy rời mắt khỏi máy tính, nhìn tôi một lúc không nói gì, cũng không thèm nhìn tài liệu tôi mang đến. Thấy anh ta nhìn tôi như vậy, tôi thấy căng thẳng dù không hiểu lý do.

Thấy anh ta không nói gì, tôi lại lên tiếng:

“Nếu không còn gì tôi xin phép về làm việc tiếp ạ.”

Lúc này Huy mới mở miệng, nhưng câu hỏi lại chẳng liên quan gì đến việc mà anh ta yêu cầu lúc này.

“Cô học nghiệp vụ đến đâu rồi?”

“Cũng tàm tạm rồi ạ. Đã có thể liên kết số liệu để đánh giá về đối tác khách hàng.”

“Chịu khó liên kết những con số lại, nhìn ra câu chuyện đằng sau nó. Đó là sự hấp dẫn của số liệu. Tôi tin là cô làm được.”

“Vâng, tôi sẽ cố gắng.”

“Hôm qua bà nội tôi có hỏi cô.”

Anh ta tự nhiên chuyển đề tài cái rụp làm tôi chưa kịp hiểu. Mà câu nói lấp lửng ấy càng khiến tôi không hiểu gì. Tôi ú ớ:

“Dạ, …bà …có sao không anh?”

“Bà tôi không sao. Sang tuần bà sẽ xuất viện về nhà, nếu cô rảnh cô ghé thăm bà một lát.”

“Tôi hiểu rồi. Để tôi sắp xếp.”

Chiều hôm sau, sau khi tan làm, tôi ghé bệnh viện thăm bà. Tôi đến phòng bệnh của bà, chưa kịp vào thì nghe thấy bên trong có người, hình như có khách đến thăm. Tôi định bỏ đi đâu một lúc lát nữa quay lại. Nhưng định bước đi thì tôi nghe thấy loáng thoáng tiếng người kia nhắc đến “anh Huy”. Tự nhiên nghe đến tên của người này không hiểu sao tôi tò mò kinh khủng nên cố ý đứng lại nghe. Lòng thầm nghĩ mình sai trái quá.

Giọng một người đàn ông trẻ:

“Cháu mới từ Hà Nội về nên giờ mới vào thăm bà được. Anh Huy chắc cũng hay ghé bà chứ ạ?”

“Nó cũng bận, lâu lâu mới ghé. Tụi bây bận rộn thì cứ lo công việc, bà đã có người chăm rồi.”

“Chăm sóc bà là trách nhiệm của con cháu, bà đừng nói thế. Bà đói chưa? Bà ăn gì không cháu lấy cho bà ăn? À bà đã uống thuốc chưa, bác sĩ có dặn dò bà kiêng gì không? Cô hộ lý đâu sao cháu không thấy. Thật làChăm sóc người bệnh mà vậy sao? Bà có thấy khó chịu chỗ nào không?

“Thôi được rồi, sao cháu hỏi nhiều thế, bà vẫn khỏe, sang tuần bác sĩ cho về rồi.”

“Bà về thì về nhà cháu mà ở. Cháu và vợ cháu sẽ chăm sóc bà chu đáo. Bà ở nhà bác có ai chăm sóc bà đâu.”

“Bà ở đấy quen rồi. Cũng có chị Oanh. Thằng Huy cũng rảnh là nó chạy qua bà. Bay không phải lo.”

“Bà cứ qua nhà cháu đi, đảm bảo sẽ được chăm sóc tốt hơn ở nhà bác nhiều”

“Bay có bận gì không thì cứ lo công việc đi.”

Tôi vội nhẹ nhàng rút lui, đến căn tin ngồi chờ một chút rồi quay lại thăm bà sau. Vừa ngồi gặm ổ bánh mì, tôi vừa nhớ lại giọng điệu của người lúc nãy nói chuyện với bà. Chắc đây là anh em họ gì với Huy. Nghe kiểu nói chuyện rất ra sức để lôi kéo bà về nhà anh ta ở. Nhưng sao tôi không cảm nhận được sự chăm sóc quan tâm của anh ta đối với bà dù anh ta nhắc đến sự chăm sóc rất nhiều lần. Bà cũng không mặn mà gì với lời chiêu dụ của anh ta.

Nhưng tại sao anh ta lại cố gắng để đưa bà về bên ấy nhỉ? Trong khi tôi thấy Huy rất hiếu thảo với bà chứ không có vẻ gì là bỏ bê hay vô trách nhiệm như lời của người kia nói. Tôi thi thoảng đọc truyện, cũng có biết sơ sơ về chuyện trong một gia tộc giàu có, thì những gia đình thường hay đấu với nhau để được tranh sủng từ người cao nhất. Có lẽ tôi đang nhìn thấy chuyện này hay sao? Bà nội Huy có vẻ là người cao nhất trong dòng tộc đang nắm giữ quyền lực ngầm gì đó, cho nên mới có chuyện người kia đang cố sức để lôi kéo bà.

Mà bao nhiêu lần trò chuyện cùng bà, tôi không hề thấy bà thể hiện gì là người quyền quý, cao cao tại thượng. Tôi nhớ lại có lần Huy nói với tôi, bà không ưa em dâu của anh ta. Có phải là cô vợ của người đang nói chuyện với bà không?

Nhức đầu quá. Nghĩ tới đây tôi thấy mình nhiều chuyện ghê. Chuyện nhà người ta cũng rảnh mà ngồi nghĩ dùm nữa chứ.

Ngồi một lúc đoán là người kia cũng không còn ở đó nên tôi quay trở lại phòng bệnh thăm bà. Tôi gõ cửa vài cái chỉ nghe bà nói “vào đi” là tôi đẩy cửa bước vào. Đúng là người kia đã đi.

“An hả con? Hôm nay không phải tăng ca hả?”

“Dạ, con xong việc rồi ạ. Con nghe anh Huy nói sang tuần bà về nhà rồi, sợ không gặp được bà nữa nên con vội đến đây.”

“Bà về một thời gian, rồi cũng phải vào lại đây thôi. Già rồi lấy bệnh viện làm nhà.” – bà vừa nói vừa móm mém cười.

Tôi lấy ra chuỗi hạt đeo tay mà con Chi bạn tôi mua ở Tây Tạng đưa cho bà.

“Bà ạ, con nghe nói chuỗi hạt này rất linh thiêng, bạn con thỉnh từ Tây Tạng về, bà giữ nó, hy vọng bà sẽ được phù hộ bình an.”

Bà nhìn chuỗi hạt vài giây rồi cầm lấy, lai hỏi tôi ra chiều ngạc nhiên:

“Con cho bà sao?”

“Dạ bạn con vừa đi Tây Tạng về, nó mang về vài cái cho con, con có bà ạ. Bà cứ cầm cái này đi.”

Bà nhìn tôi với ánh mắt vừa khó hiểu, vừa cảm động, vừa yêu thương. Cuối cùng bà trở lại vẻ mặt tươi cười thường thấy mỗi khi nói chuyện với tôi.

“Vậy cho bà xin nhé. Bà sống bằng tuổi này rồi bà không cần vật chất, tiền bạc gì cả, bà chỉ cần tình cảm của con cháu dành cho bà. Cháu thật biết cách làm ta cảm động.”

“Cháu không nghĩ gì sâu xa đâu ạ. Cháu quý bà, kể cả khi bà không phải là bà của anh Huy cháu cũng vẫn quý bà.”

“Cháu thật là tình cảm. Có chuyện này ta phải hỏi cháu, cháu và thằng Huy có phải đã biết nhau từ trước khi nó về Thiên Long làm giám đốc đúng không?”

“Sao bà hỏi vậy ạ?” – tôi hơi chột dạ và bắt đầu có tâm lý phòng vệ.

“Ta nhìn ánh mắt nó nhìn cháu nên ta đoán như vậy. Nếu chỉ là chuyện cấp trên cấp dưới mới biết nhau thì nó không nhìn cháu kiểu như thế.”

“Kiểu như vậy là kiểu gì ạ?”

“Này đừng có hỏi nhiều thế, rốt cuộc là nó với cháu đã biết nhau từ trước đúng không?”

Đúng là người già có khác, bà vẫn còn minh mẫn chán, không bị tôi lợi dụng khai thác thông tin. Bà đã nói tới thế thì tôi đành thú thực:

“Dạ cháu và anh ấy học cùng trường cấp hai. Anh ấy học trên cháu hai lớp.”

“Ra là vậy, nhưng chắc là cũng có qua lại quen biết đúng không?”

“Dạ cũng có trò chuyện vài lần.”

“Không đâu, ta thấy nó nhìn cháu không phải chỉ với con mắt của người chỉ trò chuyện vào lần thôi đâu.”

“ Bà nghĩ nhiều rồi ạ. Thực sự cháu và anh Huy không có gì hơn, chỉ nói chuyện vài lần vì cùng hoạt động chung mỗi khi trường có phong trào gì đó thôi.”

Tôi không muốn bà đào sâu vào mối quan hệ của tôi và anh ta vì thực ra cũng chẳng có gì để mà nói tới. Tôi vẫn còn đó cảm giác ngại ngùng vì mang tiếng là người quen cũ khi gặp lại một người quá đỗi thành đạt, còn một người lại đang vật vờ với công việc. Mà người trên cao kia lại đang lại là sếp tổng của người đang loay hoay ở dưới.

Với tạo hình thân phận thế này, càng nhiều người biết lịch sử quen biết giữa tôi và Huy thì tôi càng thấy hổ thẹn mà thôi. Có gì tốt đẹp đâu.

Nhưng bà vẫn không buông tha cho tôi. Cứ nói mãi về vấn đề quen biết giữa tôi và cháu của bà.

“ Ta rất lo cho nó. Ta chỉ có hai đứa cháu. Thằng em nó thì đã yên ổn gia đình. Còn nó, có nói kiểu gì nó cũng vẫn cắm đầu vào công việc không thấy yêu đương trai gái gì.”

“ Chắc anh ấy chưa gặp được người thôi bà ạ. Hoặc tiêu chí chọn bạn gái của anh ấy cao quá nên anh ấy không vừa mắt.”

“Mẹ nó mất sớm. Ba nó thì giáo dục con cái theo kiểu nghiêm khắc nên nó không được hưởng thụ cảm giác của người được chăm sóc. Thật tội thằng bé.”

Bà vừa nói vừa nhìn xa xăm. Nói thật là lúc này tôi có cảm tưởng như bà đang “quảng cáo sản phẩm” là thằng cháu quý của bà. Dù bà đang nói những lời ấy với chủ ý muốn cho tôi cảm động, nhưng vì tôi không có dính líu tình cảm gì đến Huy nên tôi nghe những lời tương tác cảm xúc như thế này lòng vẫn không có gì dao động.

Nhưng không thể vô lễ nên tôi cũng phải vuốt đuôi bà:

“ Dạ, để thành đạt được trong hoàn cảnh như vậy thì chứng tỏ anh ấy là người quá giỏi. Trong công ty ai cũng nể phục anh ấy hết bà ạ.”

“Ừ nó giỏi thế nào ta biết. Nhưng để đứng vững ở vị trí đó chỉ giỏi không thì chưa đủ. Vì người đứng càng cao thì càng nguy hiểm.”

Tôi nghe tới đây thì hết hiểu nổi. Mà tôi cũng không muốn nói quá sâu vào chuyện của anh ta vì cũng là chuyện nhạy cảm. Biết càng nhiều thì cũng …nguy hiểm. Nên tôi giả lả hỏi thăm bà chuyện khác:

“Bà đói chưa ạ. Để cháu xem còn thức ăn gì không cháu lấy cho bà nhé.”

“Ừ, còn một ít cháo đấy, cháu đổ ra chén giúp bà.”

Tôi ở bệnh viện với bà một lúc rồi về.

Về tới nhà, thấy mẹ đang chăm chú đọc say mê gì đó trên điện thoại, tôi chào mẹ:

“Mẹ à con về rồi. Mẹ đang xem gì đó mà say mê vậy?”

“Đang xem cái trang này họ chỉ mấy phương thuốc chữa sỏi mật này, hay lắm.”

“Mẹ để ba uống thuốc bác sĩ cho là được rồi. Uống mấy cái lá này lá kia mà không hiểu gì cũng không tốt đâu.”

“ Mẹ biết, nhưng tiền thuốc hàng tháng cho ổng cũng là một khoản đấy, mẹ đang thử tìm hiểu mấy phương thuốc này xem thế nào.”

“ Thôi mẹ đừng lo quá như vậy. Sức khoẻ là trên hết. Để con cố gắng làm cuối năm chắc cũng có khoản tiền thưởng.”

Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại, không biết là tôi có đang nói thật hay không. Ánh mắt nửa tin nửa ngờ của mẹ khiến tôi khó xử. Bà nhìn tôi hồi lâu rồi thở hắt ra:

“ Cũng vì ba mẹ không có vị trí quyền thế gì nên không lo cho con được chu đáo. Mẹ không muốn con phải bận tâm đến ba mẹ, chỉ cần con tự lo cho mình tốt là được.”

“Mẹ, mẹ nói vậy sao được. Con hiểu mà, mẹ đừng nghĩ gì, cũng đừng ngạc nhiên khi con nói con sẽ cố gắng.”

“ Thôi con tắm rửa ăn uống gì đi rồi nghỉ ngơi. Cũng đừng lo lắng chuyện ba mẹ, mẹ sẽ có cách.”

Tôi không nói với mẹ nữa mà trở về phòng mình. Thực sự tôi thấy mình bất lực. Tôi hiểu vì sao mẹ lại phải đi đọc này đọc kia để cầu đến một phương thuốc thần kỳ rẻ tiền nào đó để chữa bệnh cho ba. Bà biết thu nhập của tôi cũng không thể cáng đáng nổi tiền thuốc men cho cả mẹ và ba, nên bà mới phải đi tìm tòi “phép màu” như thế.

Nhưng đời này làm gì có phép màu. Chứng kiến một người tính tình nóng nảy, càm ràm và độc đoán như mẹ, hổ báo như mẹ, mà cũng có ngày phải cầu đến “phép màu” chỉ vì …không có tiền. Mà tôi thì không làm gì được để giúp ba mẹ. Sự bất lực, dằn vặt trong lòng tôi trỗi dậy khiến tôi vô cùng khó chịu, mà không cách nào giải toả được.

Chỉ còn một cách là....khóc. Tôi cứ thế chảy nước mắt cho sự vô dụng của mình bao nhiêu năm nay.

Bỗng nghe thấy tiếng rung của điện thoại, nhìn vào thì thấy dãy số nửa quen nửa lạ. Tôi bấm nghe chưa kịp nói gì thì người bên kia đã lên tiếng:

“Anh đang ở dưới nhà em. Anh gặp em một chút được không?”