Chương 12: Đây Là Muốn Mở Cửa Hàng Trẻ Con

“Tai nạn xe!?” Trái tim Ngọc Yến nhảy lên một cái.

“Ừ.” Bà Trần tặc lưỡi, “Cái thằng, mệnh khổ gì đâu...”

Ánh mắt bà nhìn Ngọc Yến trở nên khác lạ, giọng điệu cũng bén hơn: “Cũng tại bay, đùng một cái bỏ nhà ra đi, đã vậy còn cắt hết liên lạc, thằng Phong nó lo cho bay, chạy đi tìm bay khắp nơi, trong lúc tìm kiếm nó không may bị xe tải tông trúng.”

“Thương tích nặng lắm, khi đưa vào bệnh viện bác sĩ nói cần phải tiến hành phẫu thuật gấp, cho biết khả năng sống sót chưa tới ba mươi phần trăm. Lúc đó ai cũng tưởng nó chắc chết rồi, may nhờ Trời Phật thương cứu lại cái mạng của nó.”

“Sau phẫu thuật, thằng Phong hôn mê hơn một tháng trời mới tỉnh, khỏe dậy thì phải tiến hành thêm đủ loại trị liệu nữa, ngót nghét nửa năm mới bình phục...”

Ngọc Yến đứng một bên im lặng lắng nghe, bàn tay trái bấu chặt vào đùi, lại dường chẳng biết đau.

Một năm qua, cô cứ nghĩ bản thân rất đáng thương, cảm thấy cả thế giới đều quay lưng lại với mình, lòng đầy bi thương oán giận, giờ phút này mới biết, gánh chịu đau đớn nhiều nhất hóa ra chẳng phải cô, chính chú nhỏ mới là người khổ nhất. Chỉ vì sự nông nổi, hèn nhát của cô mà chú cô suýt nữa đã phải chết...

Ngọc Yến bỗng thấy mình mang đầy tội lỗi.

“Bà nội, có phải cũng vì buồn giận con mà chú nhỏ mới trở về quê, vứt bỏ hết thảy cơ ngơi sự nghiệp đã gầy dựng ở thành phố?”

“Tao cũng chẳng rõ.” Bà Trần lắc đầu, hồi tưởng lại, “Lúc đó tao còn sợ nó ra viện xong sẽ lại chạy đôn chạy đáo đi kiếm bay, nhưng hổng hiểu sao sau khi bình phục thì nó chẳng hề nhắc gì đến bay nữa. Thu xếp mọi thứ ở thành phố xong xuôi, nó xách vali lặng lẽ trở về quê, bảo đã chán chốn thành thị rồi, từ rày về sau sẽ sống ở quê. Ban đầu tao tưởng nó nói chơi, hổng dè nó làm thật. Từ hồi về đây, nó hết đi phát rẫy lại chạy ra làm đồng, ai không biết nhìn vào còn tưởng nông dân thứ thật luôn ấy chứ. Ừ, mà tính ra thì giờ nó cũng thành nông dân thứ thật rồi chứ giống gì nữa.”

Bà liếc Ngọc Yến, cảm thán: “Chú bay, nó khổ vì bay nhiều lắm, chả bù cho thằng cha bay. Tao cũng hổng hiểu sao mà nó thương bay tới vậy nữa, chắc kiếp trước nó mắc nợ bay hay gì.”

“Như hồi hôm nè, nó xuống nhà gặp tao, nói chuyện bay trở về cho tao hay. Tao nghe xong liền muốn chạy lên xem ngay, nhưng nó cản không cho lên, bảo muộn rồi để hai mẹ con bay ngủ, có gì đợi sáng mai rồi hẵng gặp. Chắc nó sợ tao mới hay chuyện, chưa tiếp nhận được, mất bình tĩnh mà nặng lời mắng chửi, đánh đập bay. Nó còn nói hộ cho bay đủ thứ, làm tao phải mủi lỏng. Cái thằng, thật...”

Ngọc Yến dường chẳng nghe rõ nữa, trên mặt châu ngọc thi nhau rơi xuống, từng giọt từng giọt, vỡ nát tứ tung.

Bà Trần thở ra một hơi, nắm lấy tay cháu gái mình, xoa nhẹ.

“Thằng Phong nó thương bay như vậy đó, bay coi sống sao cho phải với chú bay.”

...

Buổi sáng Trần Phong ra ngoài, mãi gần 12 giờ trưa mới thấy trở về.

Dưới sự điều khiển của người cầm lái, chiếc bán tải Ford Ranger màu vàng nghệ lăn qua cổng chính, dọc theo bên hông nhà chạy ra sân sau, dừng dưới gốc cây xoài sum sê cành lá đã hơn bốn mươi năm tuổi.

Ở vùng quê, ô tô trị giá bạc tỉ tuyệt đối không phải thứ đồ vật đại trà, toàn xã Vân Yên cũng chỉ có một mình Trần Phong sở hữu mà thôi. Dù vậy, nếu đem so với những mẫu xe sang anh từng sử dụng qua trước đó, chiếc Ford Ranger này tính ra vẫn còn khiêm tốn lắm. Trần Phong mua nó sau khi anh đã chuyển về quê, từ ấy đến nay chủ yếu dùng để chở hàng hóa, nông sản, hiếm hoi lắm mới lái đi dạo mát.

Hôm nay, anh lại dùng nó để chở đồ đạc. Những thứ anh mua, toàn bộ đều là vật dụng dành cho em bé, số lượng nhiều tới nỗi khiến bà Trần phải trợn mắt kinh ngạc.

“Phong, mày mua chi mà nhiều dữ vậy?”

“Nhiều lắm sao? Con thấy cái nào cũng cần mà.” Trần Phong vẫn cho rằng như vậy là bình thường.

Bởi vì trời nắng, Ngọc Yến đang bế con nên không tiện ra xem, đợi đến khi Trần Phong và bà Trần bưng bê hết thứ này đến thứ khác vào trong nhà, cô mới thực sự hiểu được lời nói của nội mình.

Đồ đạc... quả thật rất nhiều! Chất thành một đống lớn!

Chú nhỏ đây là muốn mở cửa hàng trẻ em sao? Bất giác, trong đầu cô hiện lên ý nghĩ như vậy.